Hiểu đúng hơn về bán hàng trực tiếp
THỨ NĂM, 27 THÁNG 5 2010 00:00
Bán hàng trực tiếp, hay còn được nhiều người biết đến với tên gọi "Bán hàng đa cấp", là một hoạt động kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần tăng thu nhập cho nhiều gia đình. Tuy nhiên, gần đây có một số cơ quan làm ăn bất chính đã lợi dụng phương thức bán hàng này nhằm trục lợi, lừa đảo, khiến khách hàng trở nên e ngại khi nghe đến "bán hàng đa cấp". Tại hội thảo do hiệp hội thương mại Hoa Kỳ - Việt Nam (Amcham) tổ chức vào ngày 15/5, các doanh nghiệp trực thuộc ủy bản bán hàng trực tiếp (AVDSC) cùng đại diện cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã có những chia sẻ thẳng thắn làm rõ hơn về nghành kinh doanh còn khá mới này.
Ngành kinh doanh triển vọng
Thật ra, bán hàng trực tiếp vốn đã phổ biến từ lâu trên thế giới với doanh thu 120 tỉ USD mỗi năm, mang đến thu nhập cho hơn 63 triệu người. Đó là việc bán sản phẩm hoặc dịch vụ được thực hiện trực tiếp từ người này sang người khác và không có cơ sở bán lẻ cố định, mà chủ yếu dựa vào người phân phối làm điểm liên lạc mấu chốt giữa công ty và người tiêu dùng. Một ví dụ rõ nét là trang web chuyên bán hàng trực tuyến amazon.com được xem là nhà sách lớn nhất trên thế giới mặc dù không có cửa hàng để khách đến chọn sách, mà chỉ thực hiện qua giao dịch trực tuyến. Nhãn hiệu máy tính Dell ban đầu cũng chỉ bán hàng trực tiếp thông qua các catalogue hay tiếp thị đến từng nhà, dần dà họ mới mở rộng thêm nhiều kênh phân phối khác.
Bán hàng trực tiếp có thể giải quyết nhu cầu việc làm của số đông lao động, góp phần giảm bớt tình trạng thất nghiệp, đồng thời cũng giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí cho các hoạt động tiếp thị quảng cáo hay thuê mướn mặt bằng làm địa điểm bán hàng. Lý do là bất cứ ai cũng có thể tham gia vào hoạt động bán hàng trực tiếp, không phân biệt lứa tuổi, giới tính hay trình độ học vấn. Những người bán hàng trực tiếp là những người được quyền tự chủ về thời gian làm việc nhiều hay ít và nhận được thù lao tương xứng với công sức bỏ ra. Họ cũng được đào tạo và hỗ trợ chi phí ban đầu cũng như trang bị kiến thức về sản phẩm để làm cầu nối giữa công ty và người tiêu dùng. Ông Shane Harrison - Tổng Giám Đốc Công ty Tahtian Nomi (có trụ sở chính tại Mỹ) đã nhận định: "Chính nhờ những người phân phối nên sản phẩm đến được trực tiếp với người tiêu dùng mà không cần qua các giai đoạn tiếp thị hay quảng cáo tốn kém".
Nhờ những lợi ích và hiệu quả kinh tế mang lại cho cả đôi bên, phương thức bán hàng trực tiếp đang có nhiều tiềm năng phát triển, nhất là trong tình hình kinh tế suy thoái hiện nay. Tham tán thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam từng phát biểu: "Bán hàng trực tiếp là một công cụ tuyệt vời để phát triển nền kinh tế vì mọi người có thể sở hữu việc kinh doanh riêng và hưởng lợi ích từ sự lao động chăm chỉ của họ mà chỉ tốn rất ít chi phí ban đầu".Ông còn nhấn mạnh rằng trong hoạt động bán hàng trực tiếp, nguồn gốc xuất thân không quan trọng, bằng cấp cũng không quan trọng, chỉ cần tự tin và khát khao thành công, ham muốn học hỏi thì ai cũng có thể kinh doanh thành công.
Hoạt động bán hàng trực tiếp tại Việt Nam
Tại Việt Nam, bán hàng trực tiếp đã và đang góp phần tạo nên thu nhập cho hơn 450 ngàn gia đình với những cơ hội làm việc bán thời gian, linh động. Từ khi Luật Cạnh Tranh ra đời vào cuối năm 2004 và Nghị định 110 được ban hành vào năm 2005 công nhận bán hàng trực tiếp là mô hình kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam, hoạt động này đã có những bước tiến đáng kể. Hiện nay, 31 công ty Việt Nam và nước ngoài đã đăng ký bán hàng trực tiếp với Bộ Công Thương với hơn 450 ngàn người phân phối, doanh thu hàng năm trên 1.200 tỉ đồng, đóng góp hơn 500 tỉ đồng thuế vào ngân sách nhà nước. Tốc độ tăng trưởng của nghành kinh doanh này cũng tăng đến 150% trong năm 2008 so với năm 2007. Tổng Giám đốc Amway tại Việt Nam, ông Looe Chee Seng chia sẻ: "Người ta nhận thấy cứ mỗi khi nền kinh tế suy thoái thì nghành bán hàng trực tiếp lại phát triển nhanh chóng".
Tuy nhiên, do thiếu thông tin chính xác về hoạt động kinh doanh này nên công chúng hiện đang có những hiểu lầm sai lệch về bán hàng trực tiếp. Bên cạnh đó, một số nhỏ công ty thất tín về tiền bạc, lừa đảo trong kinh doanh cũng tạo nên hình ảnh tiêu cực trong lòng khách hàng. Cần phân biệt rõ đâu là việc bán hàng trực tiếp được pháp luật Việt Nam công nhận với bán hàng đa cấp phi pháp theo mô hình kim tự tháp ảo. Kim tự tháp ảo là mô hình kinh doanh mà người bán hàng trực tiếp được trả thưởng chủ yếu từ việc tuyển dụng những người khác cùng tham gia vào mô hình này, chứ không kiếm được doanh thu từ việc bán hàng hóa, dịch vụ hoặc tài sản. Các công ty lừa đảo đội lốt bán hàng đa cấp thường yêu cầu người tham gia phải trả phí ban đầu cao quá mức, trả thưởng cho nhân viên chủ yếu dựa vào việc chiêu dụ thêm nhiều người mới cùng tham gia vào hệ thống, buộc người tham gia phải mua số lượng sản phẩm nhiều hơn mức họ có thể bán hoặc sử dụng và không cho phép trả lại hàng tồn. Chính điều này đã tạo nên dư luận không tốt về hoạt động bán hàng trực tiếp.
Có mặt tại hội thảo, Ông Bạch Văn Mừng - Cục trưởng Cục Quản Lý Cạnh Tranh (Bộ Công Thương) đã giải thích cặn kẽ khuôn khổ Pháp Lý tại Việt Nam nhằm phân biệt bán hàng trực tiếp hợp pháp với mô hình kinh doanh Đa cấp lừa đảo. Ông cũng là người nhận được nhiều câu hỏi nhất từ phía các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Điều đó cho thấy việc mọi người còn khá mơ hồ về phương thức kinh doanh này, cũng như bộc lộ một bất cập là pháp luật ở nước ta vẫn chưa hoạch định rõ những điều khoản cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng và nhà kinh doanh.
Nhiều ý kiến khác trong hội thảo cũng xoay quanh những ưu điểm và hạn chế của hoạt động bán hàng trực tiếp để đánh giá chính xác về tương lai của phương thức kinh doanh này tại Việt Nam. Nhìn chung, bán hàng trực tiếp có lợi thế nhất ở việc gắn kết giữa con người với con người, thông qua sự tiếp xúc, trò chuyện mà người tiêu dùng được tư vấn, hiểu rõ hơn về sản phẩm, dịch vụ cần mua sắm. Trên thực tế, phương thức kinh doanh này cũng góp phần giảm bớt tình trạng thất nghiệp, đóng góp vào sự phát triển kinh tế và mang lại hiệu quả đầu tư cho các doanh nghiệp tham gia.
Thời báo Kinh Tế Sài Gòn